Đại Nội Huế có gì mà đi du lịch Huế ai cũng ghé thăm?

Đại Nội Huế có gì mà đi du lịch Huế ai cũng ghé thăm?

Huế, một thành phố mộng mơ đầy cổ kính, là nơi bảo lưu một khối lượng lớn những di sản vật chất và tinh thần của triều đại nhà Nguyễn Việt Nam. Được xây dựng suốt 27 năm (1805 – 1832) với hàng triệu nhân công, Kinh thành Huế là một kỳ công của dân tộc. Bên trong Kinh thành Huế là Đại Nội, bao gồm Hoàng thành và Tử Cấm Thành. Đại Nội Huế là điểm trung tâm, nơi hội tụ nét đẹp về kiến trúc và văn hóa, thu hút nhiều khách du lịch khi đến Huế nhất. Đại nội Huế có gì luôn là câu hỏi được nhiều người thắc mắc. Hãy cùng Thuongtravel khám phá Đại Nội Huế khi đến du lịch tại Huế nhé.

Lịch sử xây dựng Đại Nội Huế – Thời nhà Nguyễn xưng Vương

Các Chúa Nguyễn chọn Kinh thành Huế làm thủ phủ của Đàng Trong từ năm 1687 đến 1775, sau đó nhà Tây Sơn dùng làm kinh đô cả nước năm 1788 đến 1801. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi với niên hiệu là Gia Long thì đã cho xây dựng thành kinh đô với quy mô to lớn hơn. Từ năm 1803, vua Gia Long cùng các quan viên đi khảo sát địa thế, thiết kế và đưa ra cách thức xây dựng. Đến năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng thì công trình mới hoàn tất.

Đại nội Huế có gì?

Đại Nội Huế bao gồm 2 lớp vòng thành: lớp đầu là Hoàng Thành, lớp 2 là Cung Thành (hay còn gọi là Tử Cấm Thành – từ thời vua Minh Mạng). Đại Nội Huế với hơn 100 công trình kiến trúc như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Thế Miếu, Cửu Đỉnh, Hiển Lâm Các,…Các công trình ở Đại Nội Huế có kiến trúc rất chặt chẽ, đều đối xứng từng cặp qua đường trục chính. Các con sô 9 và số 5 được sử dụng nhiều trong kiến trúc vì nó ứng với mạng thiên tử. Khác với kiến trúc của các triều đại khác, triều đại nhà Nguyễn cho xây dựng những miếu thờ bên trong Hoàng cung (tổng cộng 5 miếu thờ). Với các vật liệu chính là gỗ, cung điện được xây dựng theo kiểu nhà kép “trùng thiềm điệp ốc”, “nhất thi nhất họa”, chạm trổ tỉ mỉ, công phu, tinh tế.

Khám phá những điểm tham quan nổi bật bên trong Đại nội Huế

1.Ngọ Môn

Tên gọi đầu tiên của Ngọ Môn là Nam Khuyết Đài, dưới thời vua Minh Mạng có tên là Ngọ Môn. Ngọ Môn có nghĩa là cổng phía nam của Hoàng Thành (ngọ không có nghĩa là giờ ngọ đâu nhé). Ngọ môn gồm hai thành phần: Đài – Cổng và Lầu Ngũ Phụng.

Cổng hình chữ U, cao gần 5m, xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh và đồng thau. Ở phần giữa của nền đài trổ ra 3 lối đi song song nhau: Ngọ Môn (dành cho vua đi), Tả Giáp Môn và Hữu giáp Môn dành cho quan văn quan võ theo hầu, hai lối đi ngoài cùng là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn dành cho lính tráng và voi ngựa theo hầu.

Lầu Ngũ Phụng được xây dựng trên thân đài chữ U, có hai tầng, dưới lớn trên nhỏ, làm bằng 100 cột gỗ lim, trong đó có 48 cột ăn suốt cả hai tầng. Lầu gồm chín bộ mái lợp ngói ống tráng men vàng và xanh lá cây, gọi là ngói hoàng lưu ly và ngói thanh lưu ly. Dân gian có câu:” Ngọ môn 5 cửa, 9 lầu, 1 lầu vàng, 8 lầu xanh, 3 cửa thẳng, 2 cửa quanh“.

Sở dĩ tổng thể Ngọ Môn được xây dựng trên mặt bằng hình chữ U và hệ thống lầu Ngũ Phụng được chia thành 9 bộ mái lớn nhỏ, cao thấp, nhấp nhô trông vui mắt như thế vì để tránh đi sự nặng nề của một công trình kiến trúc hình khối tương đối đồ sộ.

Kiến trúc của Ngọ môn được thiết lập theo tỷ lệ vàng và những con số theo Dịch học Đông phương như 5,9,100. Năm lối đi tượng trưng cho “ngũ hành“, 9 nóc lầu tượng trưng cho “cửu ngũ” ở Kinh Dịch, ứng với mạng thiên tử, 100 là số cộng của “Hà đồ” và “Lạc Thư” trong sách ấy.

2. Điện Thái Hòa

Điện Thái Hòa là nơi tham quan không thể bỏ qua khi đến tham quan Đại Nội Huế, bởi nơi đây chính là nơi có đặt ngai vàng, một biểu tượng thiêng liêng của một triều đại trong thiên hạ. Điện Thái Hòa cũng chính là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn, nơi tổ chức các sự kiện quan trọng như các buổi đại triều, tiếp đón sứ thần,…

Chữ Thái có nghĩa là lớn lao, to rộng, chữ Hòa có nghĩa là hòa hợp (chứ không phải là hòa bình). Thường quyền vua thuộc về “dương”, mà nếu chỉ có thuần dương thì dễ sinh ra “cương bạo” (cứng cỏi hung ác), nên chữ Thái Hòa điện có nghĩa là cuộc sống cần có sự hòa hợp, giữa âm và dương, giữa cương với nhu, giữa người với người, giữa người với trời, giữa người với đất thì mới tốt cho triều đại.

3. Tả Vu và Hữu Vu

Tả Vu và Hữu Vu là công trình dành cho các quan văn và quan võ chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều và là nơi làm việc của Cơ Mật Viện, tổ chức thi đình và yến tiệc của triều Nguyễn. Hiện tại bên trong khu vực này có bán quà lưu niệm, tổ chức mặc áo vua và hoàng hậu để chụp hình, giới thiệu các sản phẩm của Huế và trải nghiệm thử các sản phẩm đấy như phấn nụ, các sản phẩm chăm sóc da,…

4. Cung Diên Thọ

Sau khi tham quan Tả Vu và Hữu Vu thì các bạn có thể ghé tham quan Cung Diên Thọ, nơi ở và sinh hoạt của Hoàng Thái Hậu được xây dựng vào năm 1803 ở phía Tây Bắc Hoàng Thành. Cung Diên Thọ với ý nghĩa mong muốn kéo dài sự sống, kéo dài tuổi thọ. Đến đây các bạn có thể ngoài nghỉ ngơi, uống nước và ngắm cảnh Trường Du Tạ – nơi thư giãn của Hoàng Thái Hậu trước đây. Khung cảnh nơi đây rất yên bình và nhẹ nhàng.

5. Cung Trường Sanh

Nằm ngay sau Cung Diên Thọ, nguyên thủy trước đây nó chỉ là Vườn Ngự nhưng đến thời Triệu Thị thì được trùng tu và trở thành nơi ở của Thái Hoàng Thái Hậu – bà nội Vua.

6. Thế Miếu

Thế Tổ Miếu là nơi thờ các vị vua Triều Nguyễn. Ở gian thờ chính giữa là thờ vua Gia Long và hai vị Hoàng hậu. Các án thờ của những vị vua còn lại được đặt theo nguyên tắc “tả chiêu hữu mục“, tính từ vua Gia Long ở giữa, bên trái là vua Minh Mạng – đời thứ hai, sau đó đến bên phải vua Gia Long là đời thứ ba. Cứ thế tiếp tục cho đến đời cuối cùng.

Theo gia pháp của họ Nguyễn, những vị vua “xuất đế”, “phế đế” đều không được thờ trong Thế Miếu. Trước năm 1958, bên trong Thế Miếu chỉ có 7 án thờ: Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Triệu Thị, Kiến Phúc, Đồng Khánh và Khải Định. Đến năm 1958, 3 vị vua có công với nhân dân là Vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân mới được đưa vào thờ. Còn vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Bảo Đại đến nay vẫn chưa được thờ trong Thế Miếu.

Sân của Thế Miếu rộng, được lót bằng gạch Bát Tràng. Trước Thế Miếu có 2 con kỳ lân bằng đồng, 14 chiếc đòn đá và Cửu Đỉnh.

Đối diện Thế Miếu là Hiển Lâm Các, là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vị vua và quan đại thần trong triều.

Hiển Lâm Các tại Đại Nội Huế
Hiển Lâm Các tại Đại Nội Huế

Đó là những địa danh các bạn sẽ được tham quan trong Đại Nội Huế.

Gía vé tham quan Đại Nội là bao nhiêu?

Hiện tại giá vé tham quan Đại Nội là 150.000 đ (năm 2019). Nếu các bạn muốn tham quan các điểm du lịch khác như Lăng Tự Đức, Lăng Khải Định,… thì có vé tham quan chung theo cụm, tuy nhiên mình nghĩ là các bạn nên mua từng điểm, sẽ thuận lợi hơn cho quá trình tham quan

Thời gian tham quan Đại Nội là bao lâu?

Để tham quan hết Đại Nội và hiểu rõ hết những di tích bên trong thì mình nghĩ các bạn sẽ phải tốn hơn nửa ngày mới đi hết được. Nếu bạn đi theo tour thì thời gian tham quan và di chuyển trong khu vực Kinh thành Huế mất khoảng 3 tiếng đồng hồ.

Tham quan Đại Nội Huế vào thời gian nào là đẹp nhất?

Huế thường hay mưa rả rích vào mùa đông và mưa phùn vào mùa xuân, nên mình nghĩ thời điểm đẹp nhất tham quan Huế là vào mùa hè và mùa thu. Khoảng thời gian này Huế có nắng đẹp, và không khí cũng nhộn nhịp hơn nên đi du lịch ở Huế sẽ đỡ buồn hơn.

Trong ngày thì các bạn nên đi vào buổi sáng. Vì phải mất hơn nửa ngày tham quan ở đây nên các bạn nên đi buổi sáng thì sẽ thuận tiện hơn, sau khi tham quan Đại Nội rồi thì mình có thể tham quan các lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn nữa. Chiều khoảng 5h thì khu vực tham quan đóng cửa, do đó, nếu tham quan buổi chiều thì ít nhất các bạn cũng nên tham quan trước 3h chiều.

Đến tham quan Đại Nội Huế cần lưu ý gì?

Ngoài những điều lưu ý khi đi du lịch ở Huế, thì khi đến Đại Nội, các bạn nên lưu ý một số điều sau:

-Không nên mang dày cao gót, dép lê khi đi tham quan. Vì đi tham quan nhiều với không gian rộng nên mình rất dễ bị đau chân

-Nên mang theo nón hoặc dù để che nắng. Huế rất hay mưa nắng thất thường

-Nên mang theo chai nước để uống, hoặc có thể ghé các cửa hàng trong Đại Nội để mua

-Chuẩn bị máy hình thật đẹp để chụp, vì nơi đây có nhiều góc ảnh đẹp.

-Nếu bạn chưa biết gì về Đại Nội thì bạn nên đọc sơ qua bài viết của mình hoặc thuê thuyết minh viên tại điểm (150.000đ/thuyết minh viên) thì chuyến tham quan của bạn mới có giá trị. Bạn cần biết được di tích đó có chức năng gì và có gì đặc biệt trong kiến trúc cũng như mỹ thuật, văn hóa… tại đấy. Nếu bạn đi chỉ chụp hình và sống ảo thì thật sự không nên. Bạn cần có thêm một ít thông tin về giá trị của điểm thì việc đi du lịch mới thật sự có ý nghĩa.

-Khi tham quan xong, bạn có thể thuê xe điện để chở bạn ra đến cổng. Cổng vào khác cổng ra và cách nhau cũng không quá xa. Nếu bạn thuê ô tô trước đó thì hãy nói bác tài ra cổng ra để chở bạn. Nếu bạn đi taxi thì ở cổng ra cũng có rất nhiều taxi để chở bạn về. Danh sách các hãng taxi tại Huế ở đây.

Ngoài Đại Nội bạn có thể tham quan các điểm du lịch khác tại Huế và đặc biệt không nên bỏ qua Ca Huế trên sông Hương, một loại hình hay và hấp dẫn tại Huế.

Với những chia sẻ về Đại Nội Huế của Thương, hy vọng mọi người có được chuyến tham quan, trải nghiệm tuyệt vời tại Huế.

2.3/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung được bảo vệ bởi DMCA!!